Chế độ dinh dưỡng giúp giảm lượng khí thải amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ

Chế độ dinh dưỡng giúp giảm lượng khí thải amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ

Lượng khí thải amoniac trong chuồng gà đẻ có thể giảm đáng kể thông qua việc sử dụng các chất phụ gia thức ăn một cách thận trọng, lựa chọn thành phần thức ăn và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.

Sự phát triển của một hệ thống sản xuất trứng bền vững, có lợi nhuận và tính cạnh tranh cao đang trở thành một vấn đề thách thức phải đối mặt của ngành công nghiệp chăn nuôi gà đẻ.
 
Sự bài tiết và bay hơi của Nitơ và các khí thải từ các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ chế độ ăn uống là nguyên nhân chính làm gia tăng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia cầm tập trung. Ngoài ra, nồng độ amoniac cao trong chuồng nuôi gà đẻ còn góp phần làm giảm khả năng sản xuất trứng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và thiện cảm của công chúng về môi trường đối với các trang trại chăn nuôi gà đẻ.
 
Đặc biệt vào mùa đông, khi mức độ lưu thông gió thấp, nồng độ amoniac trong chuồng nuôi gà đẻthường vượt quá ngưỡng cho phép (chuồng chăn nuôi gà đẻ là 50ppm). Ngoài các áp lực môi trường còn áp lực về năng suất chăn nuôi nên buộc các trang trại chăn nuôi gà đẻ nói riêng và chăn nuôi gia cầm nói chung phải tìm cách giảm nồng độ NH3 xuống mức thấp nhất có thể nếu muốn chăn nuôi lâu dài và bền vững.
 
Khi chế độ ăn của gà đẻ có một số axitamin vượt quá mức quy định, cơ thể không có chế độ lưu trữ axitamin dư thừa nên lượng dư thừa đó sẽ được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (dưới dạng acid uric là 80%, amoniac 10%, ure 5%). Khi bài tiết, acid uric và ure sẽ dễ dàng chuyển thành amoniac bởi một loạt các enzyme của các vi khuẩn hiện diện trong phân.
 
 
Chiến lược giảm thải amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ.
 
Có rất nhiều phương pháp để giảm nồng độ amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ bao gồm các biện pháp cơ học như trồng cây đệm xung quanh chuồng nuôi, di chuyển phân ra khỏi khu vực chuồng nuôi và dùng các chất hóa học xử lý phân như các loại acid hoặc zeolit. Tăng tỷ lệ thông gió nhất là vào mùa đông. Điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho giảm được nhiều nhất lượng nitơ (acid uric) thải ra và có thể kết tinh các amoniac trong phân để chúng không bay hơi.
 
Giai đoạn phát triển của gà đẻ và hàm lượng protein thô trong khẩu phần ăn.
 
Muốn giảm được lượng nitơ trong nước tiểu chúng ta cần một chiến lược dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà đẻ. Hàm lượng protein thô giảm đến mức tối thiểu, thay vào đó là các tinh thể axit amin đơn lẻ.
 
Yêu cầu về acid amin của gà trưởng thành tương đối cao và giảm theo thời gian do sự thay đổi tỷ lệ sản xuất trứng và trọng lượng cơ thể. Do vậy, chế độ dinh dưỡng của gà đẻ nên được điều chỉnh theo thời gian để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của gà mái. Kết quả là hàm lượng các axit amin dư thừa giảm đi, dẫn đến lượng axit uric và amoniac đào thải ra môi trường cũng giảm đáng kể.
 
Về mặt lý thuyết, một chế độ ăn uống mới với các chất dinh dưỡng phù hợp phải được điều chỉnh hàng ngày. Tuy nhiên, cách làm đó là không khả thi nếu xét về mặt thời gian, chi phí…và cách tiếp cận khả thi hơn là thay đổi chế độ ăn ít nhất bốn lần trong 1 chu kỳ sản xuất của đàn gà đẻ.
 
Lượng nitơ đào thải qua phân có thể giảm đáng kể bằng cách không ấn định trước lượng protein tối thiểu trong khẩu phần ăn mà thay vào đó là việc điều chỉnh khẩu phần ăn sao cho lượng axitamin của gà đẻ vừa đủ trong từng giai đoạn, không thừa, không thiếu. Để xây dựng được các khẩu phần ăn với lượng "protein thô thấp,vừa đủ" như vậy, ta có thể thay thế một phần bột đậu nành bằng bột ngô và các tinh thể axit amin đơn lẻ hoặc các chất tương tự axit amin.
 
Việc bổ sung các axitamin đơn lẻ vào trong khẩu phần ăn của gà đẻ cho phép tạo ra một công thức có hàm lượng axit amin vừa đủ và hợp lý hơn. Kết quả là có ít axit amin dư thừa hơn, có nghĩa là ít axit amin bị deamin hóa và lượng nitơ ít chuyển thành acid uric và bài tiết ra ngoài → giảm lượng amoniac đào thải ra ngoài môi trường.
 
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu lượng protein thô trong khẩu phần ăn của gà đẻ giảm 3-5% thì lượng nitơ đào thải ra ngoài cũng giảm tới 60%, lượng amoniac đào thải ra ngoài môi trường cũng đồng thời giảm theo. Tuy vậy, trong thực tế, lượng protein thô trong khẩu phần ăn chỉ giảm khoảng 1% (ví dụ từ 16% xuống còn 15%) nên lượng amoniac thường chỉ giảm khoảng 8-10%.
 
Bổ sung các chất phụ gia thức ăn.
 
Như đã đề cập ở phần trên, lượng khí thải ammoniac có thể được giảm xuống bằng cách giảm thiểu sự bài tiết axit uric. Tuy nhiên, một lượng ammoniac được đào thải ra ngoài là không thể tránh khỏi nhưng ta có thể bổ sung thêm các chất phụ gia vào trong khẩu phần ăn của gà đẻ để cô lập hoặc làm kết tinh lượng amoniac đó và không cho chúng bốc hơi.
 
Trong số các chất phụ gia thì zeolite là một trong số ít các loại khoáng chất có cấu trúc xốp hoặc có cấu trúc giống như lưới, có tác dụng kết tinh ammonia trong phân và ngăn không cho chúng bay hơi trong không khí.
 
Một cách khác nữa là axit hóa chế độ ăn uống của gà đẻ thông qua việc bổ sung thạch cao hoặc canxi benzoat, hoặc hạ thấp sự cân bằng điện giải của khẩu phần ăn (được tính bằng natri kali + clorua). Khẩu phần ăn có tính axit sẽ dẫn đến phân có tính axit – phân chua - (nghĩa là phân có độ pH thấp hơn), làm cho amoniac (NH3) chuyển thành ammonium (NH4 +). Ammonium dễ hòa tan trong nước hơn Amoniac nên không dễ dàng bay hơi trong không khí.
 
Kết quả từ các thí nghiệm được tiến hành tại trường Đại học Iowa State cho thấy việc cho gà đẻ ăn khẩu phần ít protein, đồng thời bổ sung thêm thạch cao và zeolit sẽ làm giảm 40% lượng khí thải ammonia so với trong chuồng gà đẻ bình thường.
 
 
Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn của gà đẻ.
 
Khi bổ sung thêm chất xơ lên men cho gà đẻ, mặc dù lượng nitơ trong phân và nước tiểu không giảm nhưng chúng tồn tại dưới dạng protein vi sinh vật nên số axit uric được biến đổi thành amoniac bay hơi có giảm hơn bình thường. Ngoài ra, chất xơ lên men còn giúp làm giảm độ PH của phân từ đó ảnh hưởng tích cực đến sự cân bằng ammoniac-ammonium.
 
Trong một nghiên cứu được tiến hành tại trường Đại học Iowa State gần đây, gà đẻ được cho ăn khẩu phần có chứa các chất xơ như:
- Bột ngũ cốc khô (DDGS).
- Lúa mỳ loại 2.
- Thân vỏ đậu tương.
 
Theo dõi lượng amoniac được sinh ra cho kết quả như sau:
Với khẩu phần ăn có bổ sung 10% bột ngô, 7% lúa mỳ loại 2, hoặc 5% vỏ đậu tương → tổng lượng ammoniac sinh ra từ phân giảm đến 50%. Ngoài ra, vì chế độ ăn của gà mái đẻ có chứa nhiều chất xơ nên lượng phân sinh ra có nhiều hơn bình thường một chút nhưng lượng khí amoniac bay hơi từ phân thì giảm 40%/mỗi con gà đẻ.
 
Sản lượng trứng, khối lượng trứng, và lượng thức ăn thu nhận không bị ảnh hưởng khi bổ sung thêm chất xơ trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, cần nhiều thông tin hơn về mức độ và loại chất xơ làm giảm phát thải amoniac một cách hiệu quả nhất và trong bao lâu thì cần phải cung cấp thêm chất xơ cho gà đẻ.
 
 
 
Kết luận.
Lượng khí thải amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ có thể giảm đáng kể thông qua việc sử dụng thận trọng các chất phụ gia thức ăn, lựa chọn các thành phần thức ăn và xây dựng khẩu phần ăn hợp lý để giảm thiểu tình trạng quá thừa hoặc thiếu các chất dinh dưỡng (đặc biệt là protein thô).
 
Điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của gà đẻ, sử dụng các loại axit amin đơn lẻ có thể làm giảm lượng khí amoniac được sinh ra đồng thời hợp lý hóa chi phí thức ăn giúp chăn nuôi tiết kiệm hơn.
 
Các loại nguyên liệu thức ăn xơ, chẳng hạn như bột ngô là một trong số những cách giảm lượng khí thải amoniac khá hiệu quả mà lại không làm đội chi phí thức ăn lên cao, đồng thời có thể nâng cao năng lượng và chất dinh dưỡng cho khẩu phần ăn của gà đẻ.
 
Ví dụ, theo một nghiên cứu năm 2006, khi thêm bột ngô vào trong khẩu phần ăn, lượng khí amoniac thải ra giảm 40-50% mà không làm tăng chi phí khẩu phần ăn.
Bài viết Chế độ dinh dưỡng giúp giảm lượng khí thải amoniac trong chuồng nuôi gà đẻ được 4 / 5 với 61948 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà