Hướng dẫn làm chuồng nuôi gà thả vườn hiệu quả

Hướng dẫn làm chuồng nuôi gà thả vườn hiệu quả

Làm chuồng gà như thế nào để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao?. Nên bắt đầu từ đâu và cần chú ý những gì khi thiết kế xây dựng một cái chuồng để nuôi gà thả vườn?

Câu trả lời được tham khảo và tổng hợp bởi rất nhiều anh em trong hội nuôi Gà:

Để làm chuồng gà phù hợp nhất với bà con thì việc đầu tiên không phải là xây ở đâu, thiết kế như thế nào? Mà việc thứ nhất bà con cần phải làm là tìm hiểu trước các vấn đề có thể xảy ra sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn gà mà chúng ta nuôi sau này. Từ đó chúng ta mới đưa ra được các phương án khắc phục để thiết kế và xây dựng một chiếc chuồng gà mang lại hiệu quả chăn nuôi cao nhất.

Quan trọng là những vấn đề phía dưới được nêu ra trong bài viết này mới giúp chúng ta thiết kế chuồng gà đạt hiệu quả cao nhất được

"Gà của chúng ta nuôi, muốn nhanh lớn, ít bị bệnh thì chúng phải được sống trong một môi trường, thời tiết thuận lợi nhất có thể"

Vậy hãy cùng nhau tìm hiểu xem, những vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng đàn gà là như thế nào:

 Làm chuồng hướng nào tốt nhất?

Với điều kiện thời tiết ở Việt Nam thì phía Đông Nam vẫn là hướng chuẩn nhất để làm hướng đặt cửa chuồng, hợp hướng gió tự nhiên, hợp hướng mặt trời, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Nếu nhà bạn nào không hợp đất, thì cố gắng chọn hướng Nam cũng sẽ hạn chế thời tiết xấu được phần nào.

 Mùa Hè chuồng gà thường gặp vấn đề gì? 

 Bình thường chúng ta hay lợp mái cho chuồng gà bằng ngói fi-brô-xi-măng vì giá rẻ và dễ thao tác. Nhưng ngói này lại có nhược điểm rất lớn, đó là vấn đề cách nhiệt. Nếu bà con nào đã nuôi gà vào mùa hè thì sẽ rõ, phải nói là cực khổ vô cùng, lúc đó gà chỉ có xõa cánh và nằm thở, ăn thì vẫn ăn nhưng lại không hề lớn chút nào. Thậm chí vào những ngày nắng to, Gà bị say nắng chết hàng loạt trong khi chúng ta còn đang ngủ ngon trong phòng lạnh điều hòa. những ngày như vậy bên trong chuồng gà nhiệt độ có thể lên tới 45°C. Vậy đây chắc chắn là bài toán lớn nhất cần giải quyết trước khi bắt tay vào xây dựng chuồng nuôi gà.​

 Vậy cách để chống nóng cho gà vào mùa Hè như thế nào? 

Có hai cách đang được anh em nuôi gà áp dụng rất phổ biến để xua tan đi cái nóng mùa cho các bạn gà là trồng cây leo hoặc làm dàn mưa nhân tạo. Nhưng tốt nhất và đảm bảo theo tiêu chí tiết kiệm thì chúng ta nên trồng cây sắn dây bò lên mái để chống nóng mùa hè thay vì làm dàn mưa nhân tạo. Vì sắn dây không tốn điện, lại không mất chi phí lắp đặt như dàn mưa, sắn dây xanh tốt quanh năm, sống thọ tới 5 năm, tán lá dầy khoảng 30cm nên che chắn cho chuồng nuôi gà cực tốt. Trồng sắn dây có thể làm nhiệt độ chuồng nuôi gà giảm bớt đi tới 6°C vào mùa Hè và cũng có tác dụng giữ ấm cho chuồng gà vào mùa Đông giá rét. Nếu bà con theo hướng trồng sắn dây, thì khi thiết kế xây dựng chuồng gà thì nên làm cột kèo cho chắc chắn một chút để chịu thêm tải trọng của sắn dây. 

 Làm chuồng gà đơn giản đến khi gặp mưa to, bão lớn thì sao?

 Chuồng gà có xây dựng đơn giản đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn phải thiết kế cột kèo chắc chắn để có thể chống chịu được gió to, gió giật khi gặp mưa bão. Mưa bão là điều không thể tránh khỏi, vậy thứ chúng ta cần làm chỉ có thể là sự chuẩn bị tốt nhất mà thôi. Bà con cũng nên xem dự báo thời tiết thường xuyên vào những tháng mưa bão để cho gà uống thuốc phòng cũng như có sự chuẩn bị về các thiết bị chống mưa bão cho gà. Tránh mưa gió tạt vào chuồng làm gà bị ốm, vì chúng rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là mưa và gió!

 Mưa dầm, mưa kéo dài làm gà bị bệnh:

Mưa lâu và kéo dài nhiều ngày sẽ làm chuồng trại ẩm ướt, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của gà. Chính vì vậy, khi xây dựng chuồng trại nuôi gà, chúng ta luôn phải để ý tới vấn đề dòng chảy của nước mưa! Tuyệt đối không để nước chảy vào trong chuồng và luôn cần có bạt để chắn cẩn thận. Bà con chỉ nên rải một lớp chấu mỏng khoảng 1cm vào mùa này, chúng ta thay chấu 3 ngày 1 lần. Vì khi trời mưa chúng ta không thể thả gà ra ngoài, nên chúng sẽ ị ngay trong chuồng cộng với thời tiết ẩm ướt sẽ là môi trường rất tốt cho vi khuẩn phát sinh. Nên chúng ta cần thay trấu mới. Còn tại sao chỉ nên đổ trấu dầy chỉ khoảng 1cm? Thứ nhất là tiết kiệm, vì 3 ngày thì lượng trấu như vậy là thừa đủ, Thứ hai, đó là giảm công sức lao động, chỉ cần cái chổi và xẻng , chúng ta hốt một tí là hết.

 Làm chuồng gà thấp hay cao sẽ tốt hơn?

 Chuồng nuôi gà mà thấp quá cũng không tốt, chúng ta sẽ không nuôi được nhiều, mà cao quá thì lại tốn chi phí. Nên chúng ta chỉ nên làm ở mức vừa phải, không cần cao quá 3 mét. Chúng ta nên thiết kế chuồng nuôi gà sao cho bên trong chuồng luôn thoáng mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông.

Để không khí luôn lưu thông, nhất là những ngày ít gió, oi bức bà con nên thiết kế 2 đến 3 chiếc quạt hút khí CO2 ra ngoài. Lưu ý không nên dùng quay quay thổi thẳng vào mặt gà, chỉ nên đặt ở trên cao, tạo ra một dòng khí lưu chuyển một đầu hút khí bên ngoài vào, một đầu hút khí CO2 ra bên ngoài. Bà con lưu ý, vì gà hô hấp rất nhanh nên lượng CO2 thải ra cũng rất lớn, nên chúng thiết kế sao cho mùa đông (miền Bắc) vẫn đóng được cửa mà trong chuồng vẫn luôn khô thoáng .

 Xử lý khi gà bị ốm có kết quả tốt hay không đều liên quan đến chuồng trại:

Tại sao ở những trại chăn nuôi chuyên nghiệp, gà cũng hay bị bệnh nhưng thường rất nhanh khỏi? Có phải họ dùng thuốc tốt hơn hay có kinh nghiệm nhiều hơn? Thật ra thì thuốc và cách chữa trị khi gà bị ốm của họ cũng chẳng khác chúng ta là mấy. Nhưng họ có một bí mật mà chúng ta không để ý tới, đó là khi họ thiết kế chuồng trại chăn nuôi gà, họ đều có riêng một khu cách ly.  Tại sao ư? Rất nhiều Bà con hay chủ quan ở vấn đề này, nên gà bị ốm thường phải trị cả đàn, mà rất khó khỏi, tốn kém nhiều tiền thuốc mà lại không hiệu quả cao, ảnh hưởng cả những con khỏe, vì cũng bị tiêm bị uống thuốc như những con ốm. Nó chuồng cách ly, thì mọi chuyện đã khác, theo dõi bệnh tật cũng như chăm sóc những con gà gà bệnh tốt hơn.Tránh làm ảnh hưởng và lây nhiễm làm dịch bệnh bùng phát ra cả đàn. Vì gà rất hay lây bệnh của nhau , có chuồng cách ly thì chúng ta sẽ dập tắt rất nhanh, ngay từ những con có triệu chứng đầu tiên chúng ta cách ly và điều trị luôn.

 Mật độ nuôi gà:

Trung bình nên nuôi gà với mật độ 5 con/m² để đảm bảo diện tích và không gian cho gà. Nhưng nếu thiết kế được sàn đậu cho gà, bà con có thể tăng mật độ lên đến 8 con/m². Vậy làm sàn cho gà đỗ như thế nào là tốt nhất, xin hãy tiếp tục đọc phía dưới.​

Làm sàn cho gà đậu trong chuồng như thế nào là tốt nhất?

  Có nên làm sàn lưới cho gà đỗ hay không?

Có rất nhiều bà con đã từng hỏi tôi rằng, có nên cho gà sống trên sàn lưới để sạch phân hay không?  Và câu trả lời chắc chắn là không nên, vì sàn lưới dễ làm xước chân gà, những vi khuẩn theo vết thương đó đi vào các khớp gây viêm nhiễm, làm gà bị liệt. Bệnh này rất khó chữa vì kháng sinh khó mà đi được vào xương khớp của gà. một lý do khác nữa là làm sàn lưới, gà rất hay nằm chen chúc đè lên nhau, rất dễ bí hơi và ảnh hưởng đến bộ lông mượt mà của chúng. Nhìn gà lúc xuất bán rất xấu mã! Qua thời thời gian nghiên cứu tỉ mỉ và tổng hợp kinh nghiệm của rất nhiều anh em trong hội nuôi gà, chúng tôi đã  tìm ra một kiểu sạp cho gà đỗ hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất. Xin mời đọc tiếp phía dưới !

 Làm sạp đậu cho gà hình chiếc thang: 

Thiết kế đơn giản , chi phí thấp , gọn gàng dễ tháo lắp , dễ vệ sinh , tận dụng được nhiều cành cây sẵn có tại gia đình , tăng diện tích không gian chuồng nuôi gà , cho gà sống đúng bản năng leo trèo và phân cấp thứ bậc, lại còn hạn chế được tối đa việc mổ việc gà cắn mổ lông nhau vì khi đỗ trên đó gà chỉ có thể quay mặt đằng trước hoặc đằng sau, không quay sang mổ nhau hay ăn lông nhau được nữa.

Hy vọng với những kinh nghiệm trên đây sẽ giúp bà con có những phương án để làm chuồng trại nuôi gà cho gia đình nhà mình đạt hiệu quả tốt nhất . Bài viết khá dài, do làm chuồng gà cũng chỉ quan trọng bước thiết kế này mà thôi. Nên rất cám ơn bà con đã cố gắng nhằn hết cái đống chữ này!

Bài viết Hướng dẫn làm chuồng nuôi gà thả vườn hiệu quả được 4.5 / 5 với 62107 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà