Biện pháp phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm

Biện pháp phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm

Trong 3 bài viết trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khá đầy đủ về nguồn gốc, nguyên nhân gây bệnh, khả năng gây bệnh, lịch sử phát triển căn bệnh cũng như những thiệt hại rất lớn mà bệnh cúm gia cầm gây ra cho động vật cũng như con người...Ở bài viết cuối cùng trong loạt bài về bệnh cúm này, chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu các biện pháp tổng quát cũng như chi tiết nhằm kiểm soát tối đa mầm bệnh cúm gia cầm, từ đó giúp tránh được những thiệt hại đáng kể do bệnh gây ra.

Phòng bệnh cúm gia cầm khi chưa có dịch xảy ra:

Tiến hành các biện pháp phòng bệnh nhất quán và đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều nơi trên đất nước cũng như trong khu vực, trên nhiều đối tượng vật nuôi cảm nhiễm cũng như con người…là biện pháp phòng bệnh tổng quát và đem lại hiệu quả cao nhất.

Cụ thể các công việc chúng ta cần tiến hành thường xuyên như sau:

- Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm: cùng vào cùng ra, thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại; chăm sóc nuôi dưỡng tốt ; tạo cho vật nuôi 1 môi trường sống trong lành, thông thoáng…

- Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành liên quan trong công tác phòng bệnh cũng như giám sát quá trình thực hiện.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi gia cầm và nhân dân về bệnh cúm gia cầm, biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhập, lây lan.

- Việc tiêm chủng phải được xem như một phương tiện làm tối ưu hóa biện pháp an toàn sinh học. Việc tiêm chủng cần phối hợp với việc giám sát để phát hiện kịp thời các trường hợp thay đổi tính chất của virus (biến đổi về tính kháng nguyên), và phải thực hiện với các loại vaccin thích hợp được sản xuất và kiểm tra chất lượng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong tài liệu Manual of Standards của OIE .

- Việc tiêm chủng có thể được sử dụng vừa như một phương tiện hỗ trợ việc loại trừ dịch bệnh, vừa như một phương tiện kiểm soát dịch bệnh và giảm lưu cữu virus trong môi trường. Việc kiểm soát bệnh bằng cách tiêm chủng có thể là một biện pháp mở đầu trong chương trình loại trừ dịch bệnh.

Việc quản lý thích hợp một chiến dịch tiêm phòng dưới sự kiểm soát của cơ quan động vật y phải phù hợp với các quy định của quốc gia. Việc tiêu hủy toàn bộ và việc tiêm chủng là các biện pháp hỗ trợ nhau, và việc thực hiện phối hợp hay tuần tự các biện pháp này có thể khác nhau tùy theo các hệ thống chăn nuôi và các giai đoạn trong chương trình kiểm soát. Việc tiêm chủng nên được sử dụng như một chiến lược, với sự xem xét cẩn thận để lựa chọn các nhóm động vật và địa bàn triển khai căn cứ vào quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

  • Hiện tại, vacxin cúm gia cầm được phép sử dụng tại Việt Nam gồm: Vacxin chết chủng H5N2 của hãng Intervet (Hà Lan), vacxin chết chủng H5N2 và H5N1 của Trung Quốc. Việc cung ứng vacxin cúm gia cầm theo kế hoạch, không bán vacxin tự do trên thị trường.
Liều lượng tiêm như sau:
  • a) Đối với gà: Đối với vacxin chết chủng H5N2 của hãng Intervet (Hà Lan) và Trung Quốc, tiêm lần đầu từ 8 ngày tuổi trở lên, tiêm lần 2 cách lần đầu 4 tuần và sau đó 6 tháng tiêm nhắc lại.
  • b) Đối với vịt: Đối với vacxin chết chủng H5N1 của Trung Quốc, tiêm lần đầu từ 15 ngày tuổi trở lên, tiêm lần 2 cách lần đầu 3 tuần và sau 4 tháng tiêm nhắc lại.
  • c) Liều lượng sử dụng và cách bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.
  • Đối với gia cầm đã tiêm phòng vacxin, chỉ được sử dụng thịt gia cầm sau khi tiêm ít nhất 28 ngày.

Các biện pháp xử lý khi trong vùng có dịch cúm gia cầm xảy ra:

- Báo cáo càng sớm càng tốt nếu phát hiện có dịch xảy ra.

- Cấm vận chuyển gia cầm, khoanh vùng xung quanh khu vực dịch và tiến hành tiêu huỷ gia cầm bệnh.

- Cách 2 ngày phun thuốc sát trùng 1 lần.

- Lưu ý các biện pháp tăng sức đề kháng cho gia cầm.

- Hạn chế ra vào trại.

- Ở những nơi tiếp giáp với vùng biên giới của các nước bạn, tuyệt đối không nên mua bán, vận chuyển lén lút gia cầm, trứng gia cầm, các giống gà đá vào nội địa khi mà những gia cầm và trứng gia cầm này chưa có giấy kiểm dịch động vật của cơ quan động vật y có thẩm quyền.

- Khi trong trại có gia cầm chết, tuyệt đối không được vận chuyển ra khỏi trại dù chưa biết gia cầm chết là do bệnh gì và phải khai báo cho cơ quan động vật y biết. Không được giết mổ để ăn hoặc đem bán, không được vứt xác bừa bãi ra đồng hoặc dưới sông suối, mà phải bỏ gia cầm chết vào trong túi nylon và buộc miệng túi thật kỷ, bỏ xuống hố sâu và rắc vôi bột lên trên trước khi lấp đất và nện kỹ.

- Sự tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh là lựa chọn thích hợp trong việc kiểm soát một ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và phải được áp dụng trên tất cả đàn có dấu hiệu lâm sàng. Biện pháp này có hiệu quả cao trong việc kiểm soát những ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao có quy mô nhỏ, và nguy cơ tái phát cao.

- Song song với việc tiêu hủy, nhà nước cũng nên đưa ra các biện pháp bồi thường đúng lúc và đầy đủ nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp cũng như người dân chăn nuôi.

- Sự loại bỏ có hệ thống các động vật hoang dã hay heo để kiểm soát những ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao vẫn chưa được khuyến cáo.

- Trong một số tình huống mà việc giết một số lượng lớn gia cầm khó có thể thực hiện tốt hoặc không khả thi thì việc tiêm chủng được xem là một giải pháp lựa chọn thích hợp. Lý do cơ bản là việc chủng ngừa này nhằm mục đích giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm bài thải virus (cả về thời gian và mức độ bài thải). Do đó, việc tiêm chủng là một phương pháp làm giảm được những trường hợp bệnh mới và giảm sự lưu cữu của virus trong môi trường; và như thế, hy vọng việc tiêm chủng sẽ góp phần cùng các biện pháp khác nhằm làm giảm khả năng lây nhiễm bệnh cho người.

Phòng bệnh cúm từ gia cầm lây lan sang người:

- Khi tiếp xúc với gia cầm bệnh phải mặc đồ bảo hộ, đi ủng, đeo khẩu trang, mang găng tay khi bắt và giết gà, sau đó rửa tay bằng thuốc sát trùng.

- Nên ăn chín, uống sôi, đặc biệt là không ăn thịt tái và không ăn tiết canh.

- Mặc dù nhà nước đã có quy hoạch các điểm giết mổ tập trung, nhưng thực tế hiện nay tại các chợ, khu vực chung quanh chợ tình trạng giết mổ gia cầm, kinh doanh gia cầm sống, thịt và trứng gia cầm chưa qua kiểm tra của cơ quan động vật y vẫn phổ biến, đây là một nguy cơ tiềm tàng của việc bùng phát dịch bệnh.

- Hãy tạo cho mình và gia đình thói quen sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã thông qua kiểm dịch.

Như vậy, nhận thức đầy đủ về nguyên nhân, cách gây bệnh, tác hại… của bệnh cúm gia cầm lên vấn đề kinh tế cũng như sức khỏe của con người sẽ là cơ sở giúp chúng ta đưa ra các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả, hợp lý như trên.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ doanh nghiệp, người dân đều có ý thức đúng đắn trong công tác phòng chống, kiểm soát mầm bệnh nhất là khi họ phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và việc phòng bệnh. Nên nhà nước ngoài trách nhiệm hỗ trợ tối đa cho họ thì cũng phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nghiêm minh tránh xảy ra các thiệt hại không đáng có.

Bài viết Biện pháp phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm được 4 / 5 với 61990 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà