Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản gà lạc thủy - gà ri hòa bình

Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản gà lạc thủy - gà ri hòa bình

Gà địa phương Lạc Thủy là một quần thể gà phân bố nhiều ở Huyện Mỹ Đức – Hà Nội và Huyện Lạc Thủy – Hòa Bình. Quần thể gà phát triển khá rộng với quy mô trang trại và gia trại trung bình từ 50-100 con, có hộ gia đình nuôi tới 500 con. Nghiên cứu hiện tại được tiến hành với mục tiêu đánh giá đặc điểm ngoại hình và năng suất sinh sản của nhóm gà này nuôi theo phương thức chuyển chỗ (ex situ) tại Viện chăn nuôi. Kết quả bước đầu cho thấy gà có ngoại hình khác đồng nhất. Về khả năng sinh sản, gà đạt tuổi đẻ trứng đầu tiên ở 136-140 ngày; tỷ lệ đẻ bình quân đạt 33,58%, năng suất trứng/40 tuần tuổi là 49,42 quả; tỷ lệ trứng có phôi/trứng ấp là 93,21%; tiêu tốn thức ăn/10 trứng giống là 3,97 kg; tỷ lệ chết và loại thải thấp. Có thể thấy đây là giống gà địa phương có năng suất khá và khả năng thích nghi tốt trong môi trường chăn nuôi mới. Trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu đặc điểm di truyền, chọn lọc và nhân giống để nâng cao năng suất của gà Lạc Thủy.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vốn có nhiều truyền thống trong chăn nuôi, song hành với tiến độ hội nhập của cả nước, ngành chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi gà nói riêng ở Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên, với tình hình chăn nuôi diễn biến phức tạp, dịch bệnh nhiều, do yếu tố thích nghi nên một số giống gà nhập ngoại thường có sức chống chịu bệnh tật kém và một số chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Trong điều kiện đó một số giống gia cầm địa phương đang được chú trọng khôi phục và phát triển nhằm đáp ứng những yêu cầu đó.
Gà địa phương Lạc Thủy là một loại gà mới được phát hiện ở Huyện Lạc Thủy-Tỉnh Hòa Bình, đây là một loại gà có chất lượng thịt khá tốt, khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về đối tượng này. Nghiên cứu hiện tại được tiến hành nhằm bước đầu có cơ sở khoa học đánh giá về đặc điểm ngoại hình và năng suất sinh sản của nhóm gà địa phương này.

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nội dung nghiên cứu
  • Đánh giá một số đặc điểm ngoại hình: màu lông, da chân, mỏ, mào, tích, kích thước một số chiều đo cơ thể gà Lạc Thủy.
  • Đánh giá các chỉ tiêu về gà thí nghiệm Lạc Thủy giai đoạn sinh sản: Tỷ lệ chết và loại thải, tuổi đẻ, tỷ lệ đẻ và năng suất trứng; tỷ lệ trứng giống và năng suất trứng giống; tỷ lệ trứng có phôi; tỷ lệ ấp nở; tỷ lệ gà con loại I; hiệu quả sử dụng thức ăn.
Phương pháp nghiên cứu
Bảng 1. Đặc điểm ngoại hình của gà địa phương Lạc Thủy
Nuôi chuyển chỗ (phương thức nuôi ex situ) về Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi tại xã Thụy phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội quy mô 150 gà mái sinh sản đã chọn giống.
Trong quá trình nuôi bảo tồn tại Viện Chăn nuôi, đàn giống được chia thành 3 nhóm (mỗi nhóm nuôi 50 gà mái sinh sản), để nhân thuần tái đàn qua các thế hệ tiến hành ghép luân chuyển trống và cho giao phối với các nhóm gà mái để giảm tối đa mức độ đồng huyết.
Cân khối lượng, đo các chiều cơ thể của gà thí nghiệm vào các tuần nhất định trên cùng 1 thước, 1 cân. Theo dõi, ghi chép hàng ngày số lượng đầu gà, thức ăn cho gà, trứng và trứng giống đẻ ra, nhật ký theo dõi 18 đợt ấp để tính tỷ lệ đẻ, năng suất trứng, tỷ lệ trứng giống, tỷ lệ trứng có phôi, tỷ lệ nở, tỷ lệ gà loại I.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm ngoại hình 
 
Màu sắc lông
Màu lông lúc 01 ngày tuổi rất đồng nhất và toàn bộ quần thể gà có 01 màu lông vàng tơ, so sánh với màu lông của gà Mía, gà Hồ, gà Móng cùng lứa tuổi thì gà Lạc Thủy có màu lông tương tự nhưng tính đồng nhất khá cao.
 
Từ 01 đến 63 ngày tuổi, gà Lạc Thủy bắt đầu mọc lông và lông cánh phát triển đầu tiên, lần lượt đến lông ở 2 bên sườn và lông đuôi. Trong quá trình mọc lông, đến 25 ngày tuổi bắt đầu có sự phân ly màu lông giữa gà trống và gà mái nhưng chưa rõ, màu lông toàn thân có cá thể lông nâu nhạt, có cá thể lông nâu xen lẫn lông đen nâu. Đến 35 ngày tuổi màu lông của gà đã có sự chuyển giới tính khá rõ và gà mái có màu lông nâu hồng sáng, gà trống có màu lông đen đỏ, tỷ lệ phân ly màu lông theo giới tính lúc này đạt đến 80%. Đến 63 ngày tuổi, toàn thân lông phủ kín và sự phân ly màu lông theo giới tính đạt 100% với gà mái có màu lông nâu hồng nhạt, gà trống lông đen đỏ. Tại thời điểm 38 tuần tuổi: gà mái có 71,83% cá thể màu lông nâu lá chuối khô và trên 20% cá thể có lông nâu sẫm, lông cổ có màu nâu đậm. Gà trống lông cổ, lông trên lưng có màu đỏ tía, còn lại lông cánh, lông ngực và lông hai bên thân có màu đỏ mận, lông đuôi màu đen đỏ hơi ánh xanh.
 
Màu da chân và màu mỏ
Lúc 01 ngày tuổi gà có da chân và mỏ màu hồng đồng nhất trong quần thể. Tuổi gà càng lớn, màu da chân và màu mỏ chuyển dần sang màu vàng. Quan sát và so sánh đã cho thấy màu da chân của gà Lạc Thủy ở tuổi trưởng thành, hai bên cẳng chân không có vảy màu đỏ, da ở kẽ chân cũng không có màu đỏ như ở chân của gà Mía, gà Đông tảo, gà Móng, gà Hồ là những giống gà có cùng tính năng sản xuất như gà Lạc Thủy.
 
Bảng 2. Các chiều đo của cơ thể gà Lạc Thuỷ ở 38 tuần tuổi
Mào và tích tai
 
Kiểu mào của gà Lạc Thủy là dạng mào đơn, so sánh với gà Mía thì mào của gà Lạc thủy không to như mào của gà Mía, gà Lạc Thủy cũng có tích tai đỏ
 
Kết quả nghiên cứu kích thước một số chiều đo cơ thể gà thí nghiệm
Kích thước các chiều đo ở con trống cao hơn so với con mái, sự khác nhau này có ý nghĩa thống kê (P<0,05). Dài thân ở gà trống và gá mái lần lượt là 24,20 cm; 22,45 cm. Dài lườn của gà trống và gà mái lần lượt là 17,65 cm; 15,41 cm; Vòng ngực của gà trống và gà mái lần lượt là: 26,53 cm; 25,81 cm. Tỷ lệ giữa dài thân và dài lườn ở gà trống và gà mái lần lượt là 1,36 lần và 1,45 lần, cả gà trống và gà mái đều có dáng hình chữ nhật thanh tú, nhỏ, gọn thiên về gà hướng thịt trứng. So sánh với gà Mía có cùng lứa tuổi trong tài liệu của Lê Viết Ly (2002) thì các chỉ tiêu này là tương đương, không khác nhau nhiều.
 
Đánh giá một số chỉ tiêu sức sinh sản của gà sinh sản bố mẹ
 
Bảng 3. Tuổi đẻ của gà mái Lạc Thủy
Tuổi đẻ của gà thí nghiệm
 
Bảng 4. Tỷ lệ đẻ, năng suất trứng và tỷ lệ trứng giống của gà Lạc Thuỷ giai đoạn 20-40 tuần tuổi (n = 3)
Qua bảng 3 cho thấy đàn gà thí nghiệm đẻ quả trứng đầu tiên ở tuần tuổi thứ 20, tỷ lệ đẻ đạt 5% (tuổi thành thục sinh dục) lúc 21 tuần tuổi (143 ngày tuổi), tỷ lệ đẻ 25% đạt lúc 24 tuần tuổi (163 ngày tuổi), đạt 50% lúc 28 tuần tuổi (192 ngày tuổi). Tỷ lệ đẻ đỉnh cao của gà thí nghiệm đạt 51,02% lúc 32 tuần tuổi (221 ngày tuổi).
Theo Nguyễn Đăng Vang & cs (1999) tuổi thành thục của gà Đông Tảo nuôi công nghiệp là 157 ngày, nuôi chăn thả 200-225 ngày, gà Mía ở 137 ngày đẻ quả trứng đầu tiên, tỷ lệ đẻ đạt 5% lúc 145 ngày. Lê Công Cường (2007) cho biết tuổi đẻ quả trứng đầu tiên của gà Hồ là 245 ngày, tỷ lệ đẻ 5% ở 259 ngày. Nguyễn Chí Thành (2008) cho biết tuổi thành thục của gà Hồ là 288 ngày, gà Đông Tảo 194 ngày, gà Chọi 216 ngày, gà Ri 146 ngày, gà Ác 144 ngày, gà H’mông 138 ngày. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hòa (2001) trên gà Đông Tảo cho thấy tuổi thành thục của gà Đông Tảo là 165 ngày. Khối lượng gà trống ở tuổi trưởng thành đạt 2616,26 g; gà mái đạt 2035,30 g. Như vậy kết quả nghiên cứu về tuổi thành thục của gà thí nghiệm của chúng tôi là thấp hơn gà Đông Tảo, gà Hồ, tương tự như gà Mía, gà Ri và cao hơn gà Ác và gà H’mông.
 
Tỷ lệ đẻ, năng suất trứng và trứng giống của gà thí nghiệm
Kết quả ở bảng 4. cho thấy tỷ lệ đẻ và năng suất trứng của gà thí nghiệm tăng chậm qua các tuần tuổi và biến động không tuân theo quy luật nhất định nào. Kết quả nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu về các giống gà nội do bản năng tự nhiên và tập tính ấp của chúng. Trong thời gian theo dõi, tỷ lệ đẻ của đàn đạt trung bình 33,58%, năng suất trứng trung bình 2,33 quả/mái/tuần.
Ở thời điểm 25 tuần tuổi tỷ lệ đẻ 35,76%, năng suất trứng trung bình 2,28 quả/mái/tuần. Ở thời điểm 28 tuần tuổi tỷ lệ đẻ đạt 50,36% và năng suất trứng đạt 3,52 quả/mái/tuần. Ở thời điểm 32 tuần tuổi tỷ lệ đẻ đạt 51,02% và năng suất trứng đạt 3,57 quả/mái/tuần. Ở thời điểm 38 tuần tuổi tỷ lệ đẻ đạt 35,71% và năng suất trứng đạt 2,50 quả/mái/tuần. Theo Nguyễn Văn Thiện và Hoàng Phanh (1999) gà Mía đẻ trứng bói lúc 22 tuần tuổi và đẻ đạt tỷ lệ 5% lúc 24 tuần tuổi, đạt đỉnh cao lúc 31 tuần tuổi. Tỷ lệ trứng giống tăng dần theo tỷ lệ đẻ, đến tuần tuổi 29, đạt trên 90%, đạt trên 97% ở các tuần 30 đến 34 và ổn định xung quang 94% ở các tuần sau đó; kết quả này phù hợp với quy luật chung về tỷ lệ trứng giống của gà bố mẹ.
 
Một số chỉ tiêu về ấp nở của gà thí nghiệm
Qua kết quả của bảng 5. cho thấy tỷ lệ trứng có phôi trung bình các đợt ấp là 93,21%, (dao động trong khoảng 75,64%-96,48%). Tỷ lệ nở so với số trứng đem ấp trung bình là 87,17% (dao động trong khoảng 56,8%-93,5%). Khối lượng gà mới nở của các đợt ấp tương đối đồng đều, trung bình đạt 33,30 g. Theo Lange (1995) khối lượng gia cầm mới nở thường bằng 62-78% khối lượng trứng khi ấp thì khối lượng gà con nở ra của chúng tôi nằm trong phạm vi cho phép.
Nguyễn Đăng Vang & cs (1999) cho biết gà Đông Tảo tỷ lệ trứng có phôi đạt 89,54% và tỷ lệ nở loại gà con loại 1/ trứng ấp đạt 70,08%. Theo Nguyễn Văn Thạch (1996), gà Ri nuôi bán thâm canh, tỷ lệ phôi đạt 93,42% và nở/ có phôi đạt 90,51%. Nguyễn Thị Hòa (2001) cho biết, tỷ lệ trứng có phôi của gà Đông Tảo đạt 86,26%, gà Ri là 93,11%, gà Tè là 90,04%. So với kết quả đó trên gà Mía, tỷ lệ nở/ trứng ấp chỉ đạt 66,7-66,9% và trên gà Đông tảo, trứng có phôi đạt 85,96% và tỷ lệ nở/ trứng ấp đạt 68,59% (Nguyễn Văn Thiện và Hoàng Phanh, 1999) thì kết quả đạt được trên gà Lạc Thủy cao hơn.
 
Tỷ lệ chết và loại thải của đàn gà thí nghiệm giai đoạn sinh sản
 
Bảng 5. Một số chỉ tiêu ấp nở của gà Lạc Thủy (n = 18)
Tỷ lệ chết và loại thải trung bình giai đoạn sinh sản 20-40 tuần tuổi của gà mái thí nghiệm đạt là: 6,67%. Tỷ lệ loại thải này rất thấp vì trong giai đoạn hậu bị chúng tôi đã tiến hành chọn lọc rất kỹ những gà đạt tiêu chuẩn giống mới đưa vào sinh sản. Với gà trống, sức sống rất tốt, trong suốt 20 tuần tuổi từ tuần 20-40, không chết và không loại thải bất kì gà trống nào ở cả 3 đàn theo dõi.
 
Hiệu quả sử dụng thức ăn
Qua bảng 6. cho thấy, tiêu tốn thức ăn để sản xuất ra 10 trứng, 10 trứng giống và một gà con loại I của gà Lạc Thuỷ lần lượt là 3,44 kg/ 10 trứng, 3,97 kg/ 10 trứng giống và 0,47 kg/ 1 gà con loại I.
 
Bảng 6. Tiêu tốn thức ăn cho sản xuất trứng và gà con của gà địa phương Lạc Thủy (tính riêng giai đoạn sinh sản) (n=3; đơn vị: kg)
Qua đây chúng tôi cũng thấy rằng, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng, tiêu tốn thức ăn/ 10 quả trứng giống và tiêu tốn thức ăn/ 1 con gà loại 1 của gà thí nghiệm đều tuân theo quy luật: cao trong giai đoạn đầu do tỷ lệ đẻ thấp, tỷ lệ trứng giống và trứng có phôi kém; đến khi tỷ lệ đẻ và tỷ lệ trứng giống tăng lên thì tiêu tốn thức ăn cũng đồng thời giảm đi.

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Kết luận

  • Đặc điểm ngoại hình: Gà Lạc Thủy có ngoại hình khá đồng nhất với con mái có màu lông nâu lá chuối khô, con trống có màu đỏ tía. Gà Lạc Thủy chủ yếu có kiểu mào là mào cờ, màu mắt nâu vàng, màu chân vàng nhạt.
  • Khả năng sinh sản của gà Lạc Thủy: tuổi đẻ đầu của gà Lạc Thủy là khá sớm từ 136-140 ngày và đẻ đỉnh cao ở tuần 31-32; tỷ lệ đẻ bình quân là 33,58%, năng suất trứng/mái/40 tuần tuổi đạt 49,42 quả, tỷ lệ trứng giống là 85,97%.
  • Các chỉ tiêu về ấp nở của gà Lạc Thủy: tỷ lệ trứng có phôi/ trứng ấp đạt 93,21%, tỷ lệ nở/ trứng ấp đạt 87,11%, tỷ lệ gà con loại I/ tổng số gà con nở ra đạt 94,37%.
  • Tiêu tốn thức ăn của gà Lạc Thủy: tiêu tốn thức ăn cho 10 trứng, 10 trứng giống và 1 gà con 1 ngày tuổi (tính riêng giai đoạn sinh sản) lần lượt là 3,44 kg; 3,97 kg và 0,47 kg. 

Đề nghị: 

Nghiên cứu xác định bản chất di truyền của gà địa phương Lạc Thủy, tiến hành bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và nhân giống để nâng cao năng suất của nhóm gà này.
Bài viết Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản gà lạc thủy - gà ri hòa bình được 4.5 / 5 với 62536 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà