Quy trình chăn nuôi chim cút đẻ trứng hiệu quả

Quy trình chăn nuôi chim cút đẻ trứng hiệu quả

Chim cút mái đẻ khoảng 300 trứng/năm, có thể khai thác trứng liên tục 14 tháng đẻ. Trứng chim cút tuy có kích thước nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng lại rất cao và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, để chăn nuôi chim cút đẻ trứng hiệu quả, cần chú ý quy trình chăn nuôi như sau:

1. Chọn chim cút giống

Chọn chim cút giống vào khoảng 25 - 30 ngày tuổi.
  • Chọn mua chim giống ở các cơ sở có uy tín và an toàn dịch bệnh
  • Chọn những con có nguồn gốc rõ ràng, không đồng huyết.
  • Chọn con của những đàn bố mẹ có năng suất trứng cao, chu kỳ đẻ trứng đều và ổn định (cút mái đẻ khoảng 300 trứng/năm, có thể khai thác trứng liên tục 14 tháng đẻ).
  • Chọn chim trống: Đối với chim cút thì con trống có kích thước nhỏ hơn con mái, cần chọn những con: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, thân hình gọn, nhỏ hơn cút mái. Đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, nực nở. Lông ngực vàng. Có khối lượng khoảng 70 - 90g khi đủ tuổi sinh sản.
  • Chọn chim mái: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông da bóng mượt, lông ngực có đốm trắng đen. Đầu thanh, cổ nhỏ, xương chậu rộng, hậu môn nở, đỏ hồng và mềm mại,... Khối lượng lớn hơn cút trống, khối lượng >100g.

2. Chuồng nuôi chim cút và dụng cụ chăn nuôi

Chim cút là loài ưa khô ráo nên cần thiết kế chuồng trại tại khu vực cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không bị gió lùa và có mái che mưa nắng.
  • Lồng nuôi chim sinh sản: kích thước 1,0 x 0,5 x 0,2m, nuôi được 20 - 25 cút mái.
  • Để tiết kiệm chuồng nuôi, người ta chồng các lồng lên nhau thành nhiều tầng, có thể đến 5 - 6 tầng, các tầng trên, dưới cách nhau 12 - 18cm.
  • Cần hết sức chú ý là giữa các tầng phải có khoảng lưu thông đủ lớn (12 - 18 cm), nhằm đảm bảo thoáng khí cho các lồng chim, nhất là những lồng ở giữa.
  • Lồng nuôi chim cần đảm bảo các điều kiện sau :
+ Chiều cao của lồng không quá 20 cm.
+ Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm, vì cút hay nhảy dựng đứng, dễ bị vỡ đầu.
+ Đáy lồng có độ dốc 2 - 3% để trứng lăn ra ngoài. Đáy có thể làm bằng lưới cuộn hoặc lưới kẽm tròn, có ô vuông cỡ 1,5 x 1,5 cm để cút đi đứng thoải mái và phân lọt xuống vỉ hứng phân bên dưới.
  • Máng ăn: có thể sử dụng khay, mẹt, máng dài, máng ăn tự động. Máng ăn phải được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
  • Máng uống: galon, máng uống tự động, núm uống. Máng uống cũng phải được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

3. Lựa chọn thức ăn nuôi chim cút đẻ trứng

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thức ăn khác nhau có thể sử dụng để nuôi chim cút sinh sản. Tùy theo quy mô chăn nuôi, khả năng đầu tư, hình thức chăn nuôi,... để lựa chọn các loại thức ăn phù hợp nhằm giảm chi phí, năng cao hiệu quả kinh tế.
Có thể sử dụng các loại loại thức ăn sau:
  • Sử thức ăn công nghiệp cho chim cút sinh sản của các hãng sản xuất thức ăn có bán trên thị trường.
  • Sử dụng thức ăn đậm đặc theo chỉ dẫn phối trộn của các hãng sản xuất ghi trên bao bì.
  • Tự phối trộn thức ăn: Để giảm giá thành sản phẩm, có thể tự chế và phối trộn thức ăn cho chim. Có thể tham khảo công thức phối trộn như sau:
Một số công thức phối trộn thức ăn cho chim cút đẻ:
STT Nguyên liệu (%) Công thức phối trộn
Công thức 1 Công thức 2 Công thức 3
1 Ngô 28 38 25
2 Cám gạo 7 8 10
3 Tấm - - 10
4 Khô dầu lạc 25 10 13
5 Đậu tương rang 8 26 15
6 Đậu xanh 2 5 10
7 Bột cá nhạt 17,5 5 12
8 Bột xương 1,5 2 1
9 Bột sò 7 5 3
10 Premix khoáng 0,5 0,5 0,5
11 Premix vitamin 0,5 0,5 0,5
12 ADE gói 10g - - 4 gói

4. Nuôi dưỡng và chăm sóc chim cút đẻ trứng

  • Cho chim ăn 2 lần/ngày. Mỗi ngày cút trưởng thành ăn khoảng 20 - 25g thức ăn.
  • Cần theo dõi khả năng ăn của chim cút sinh sản để điều chỉnh lượng thức ăn tùy thuộc vào tỷ lệ đẻ, điều kiện thời tiết, chim béo hay gầy.
  • Cần tách riêng những con quá béo, quá gầy trong đàn để sử dụng khẩu phần ăn cho phù hợp: quá béo cần hạn chế dinh dưỡng và khẩu phần; những con gầy cần tăng cường dinh dưỡng.
  • Cung cấp đủ nước sạch cho chim uống tự do. Nhu cầu uống của chim là: 50 - 100ml nước/con/ngày.
  • Vệ sinh sạch máng ăn, máng uống trước khi cho ăn uống.

5. Thu nhặt trứng

  • Trứng chim cút cần được thu nhặt ngay sau khi chim đẻ.
  • Trứng có thể được thu nhặt 2 lần/ngày.
  • Chọn lọc và loại thải những quả trứng không đạt yêu cầu: sần sùi, méo mó, dập vỏ,...
  • Để trứng nơi mát: tốt nhất là nơi có nhiệt độ 150C, độ ẩm 75%.
  • Không rửa hoặc lau trứng bằng khăn ướt.
  • Trứng ấp không nên bảo quản quá 7 ngày.

6. Vệ sinh chuồng trại và phòng ngừa bệnh

- Vệ sinh chuồng trại:
  • Chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát về mùa hề, ấm áp về mùa đông.
  • Máng ăn cần vệ sinh sạch hàng ngày, sát trùng định kỳ hàng tuần.
  • Máng uống cần rửa sạch sau mỗi lần thay nước mới, sát trùng định kỳ hàng tuần.
  • Chất độn chuồng phải khô ráo, tơi xốp, chỗ ẩm ướt cần hót ra ngay, rắc vôi bột và bổ sung độn chuồng mới đã được tiêu độc. Thay đột chuồng khi thấy cần thiết.
  • Hàng tuần cần lau chùi ổ đẻ, lồng nuôi, mảng nhện trong chuồng.
  • Hàng ngày cần thay vỉ hứng phân giữa các tầng lồng.
  • Công nhân chăn nuôi phải có quần áo, dày, dép,...riêng trước khi vào chuồng nuôi.
  • Trước cửa chuồng phải có hố sát trùng.
  • Phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi 1 lần/tuần. Khi khu vực xung quanh có dịch bệnh phun 3 ngày/lần.
  • Phát quang bụi rậm, vệ sinh và sát trùng tiêu độc khu vực xung quanh chuồng nuôi.
- Phòng ngừa bệnh:
Các bệnh thường gặp ở chim cút là newcastle, thương hàn, viêm đường hô hấp mãn tính, ngộ độc thức ăn, sưng mắt, bại liệt; thiếu khoáng, vitamin.
Biện pháp phòng ngừa:
  • Tiêm vắc xin ngừa bệnh theo định kỳ cho cả đàn khi còn nhỏ và tiêm nhắc lại trước khi vào đẻ để ngừa newcastle.
  • Đảm bảo thức ăn sạch, không bị ôi thiu nấm mốc nhất là trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ cao để tránh tình trạng ngộ độc thức ăn của chim.
  • Bổ sung vitamin nhóm A để phòng chứng sưng mắt.
  • Bổ sung canxi và phốt pho để ngăn ngừa tình trạng bại liệt.
Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho chim trong quá trình đẻ trứng để phòng tình trạng suy dinh dưỡng khiến chim giảm đẻ, trứng dị dạng./.
Bài viết Quy trình chăn nuôi chim cút đẻ trứng hiệu quả được 4.5 / 5 với 72315 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà