Kỹ thuật nuôi chim trĩ con và trưởng thành

Kỹ thuật nuôi chim trĩ con và trưởng thành

Nuôi trĩ, từ trĩ con đến trĩ trưởng thành, nhiều người tưởng là chuyện đơn giản, dễ làm, như cần có chuồng rộng rãi để nhốt, rồi hằng ngày lo cho ăn uống no đủ là chúng sẽ … mau ăn chóng lớn, sinh sản thành bầy đàn. Thế nhưng, việc nuôi chim trĩ con, trĩ lớn không đơn giản như vậy; nếu không nuôi đúng phương pháp sẽ bị cụt vốn như chơi.

Phương pháp nuôi chim trĩ con

Trĩ con được nói đến ở đây là trĩ từ một ngày tuổi đến ba tháng tuổi.

Trĩ con mới chui ra khỏi vỏ trứng, lông măng ướt nhẹp cơ hồ như dính khắn vào thân, trông con nào cũng yếu sức, đứng còn không muốn nổi và rất sợ gió máy. Ở những ngày tuổi đầu đời còn yếu ớt này nếu không được nuôi dưỡng đúng phương pháp thì sự hao hụt ở mức cao chắc chắn không tránh khỏi.

Trong đời sống hoang dã, biết trong ổ các trĩ con đã lần lượt nở ra, nhưng chim trĩ mẹ vẫn cố nán lại nằm ổ thêm thời gian một vài tuần để tiếp tục úm ấp cho đàn con sơ sinh của nó. Nhờ được sống trong hơi ấm của mẹ, trĩ con mới cứng cáp thêm, khôn lanh hơn, đủ sức theo mẹ kiếm mồi.

Còn với những trĩ con nở ra từ việc ấp vú, ấp máy, việc cần lo cho chúng trước tiên là nên nuôi chúng trong chuồng úm để sưởi ấm cho chúng đã. Nếu không được ủ ấm ngay chúng sẽ chết.

Còn nhớ trước đây khi phong trào nuôi trĩ kiểng bùng phát, do không có tài liệu hướng dẫn nên đâu ai biết phương pháp nuôi chim trĩ con ra sao, nên … trĩ con nhà nào ấp ra cũng chỉ độ vài ngày sau là lăn đùng ra chết hết! Thiên hạ cứ tưởng rằng nuôi trĩ con cũng như nuôi gà con, vừa nở ra đã rải tấm gạo cho ăn, đem nước tận miệng cho uống là được. Đâu ai ngờ đến việc cần phải ấp kỳ cho chúng sống trong môi trường ấm áp vài ngày đã, sau đó chúng mới chịu ăn. Hơn nữa, tấm gạo đâu phải là thức ăn khoái khẩu của trĩ con. Chúng tôi lúc bấy giờ gặp cái khó ló cái khôn, vớ được mấy con gián đem cắt sợi cho ăn thì trĩ con mới chịu ăn mà sống …

Sống trong chuồng úm, trĩ con lúc nào cũng được sống trong môi trường ấm áp dễ chịu.

Trong tuần đầu tiên, nhiệt độ trong chuồng úm được chỉnh từ 31 đến 35 độ.

Sang tuần lễ thứ hai, trĩ con đã không lanh, đi đứng vững vàng, nhiệt độ chuồng úm được chỉnh hạ xuống vài độ: từ 30 đến 33 độ.

Đến tuần tuổi thứ 3, trĩ con đã lớn, mình đã toả ra thân nhiệt để sưởi ấm cho nhau, nên nhiệt độ trong chuồng úm nên hạ xuống mức từ 28 đến 30 độ là vừa.

Các tuần lễ sau, hằng ngày quan sát nếu thấy sức khoẻ của trĩ con vẫn tốt, trĩ con vẫn sinh hoạt bình thường thì nhiệt độ chuồng úm có thể giữ nguyên như vậy.

Tuy vậy, hằng ngày khi giữa trưa trời nắng gắt, hay nửa đêm về sáng trời trở lạnh, ta nên để ý cách sinh hoạt của trĩ con trong chuồng úm ra sao, để nếu cần thì lo điều chỉnh lại nhiệt độ cho phù hợp.

  • Khi thấy chim trĩ con nằm dồn cục lại với nhau dưới bóng đèn là biết nhiệt độ trong chuồng úm lúc ấy không đủ ấm, khiến trĩ con bị lạnh phải nằm gần nhau để toả thân nhiệt sưởi ấm cho nhau. Trường hợp này phải mau chóng tăng nhiệt độ bên trong vài độ. Thay vì 31 độ tăng lên 33 độ …
  • Khi quan sát thấy trĩ con nằm dàn đều khắp nền chuồng úm mà ngủ say sưa, thì điều đó cho ta biết chúng được sống trong nhiệt độ ấm áp thích hợp.
  • Trưởng hợp thấy trĩ con đứng rải rác mỗi con một nơi mà miệng con nào cũng há hốc ra thở thì biết là nhiệt độ trong chuồng úm lúc đó quá cao gây oi bức quá độ, cần phải hạ nhiệt độ xuống.

Trong chuồng úm ngay từ đầu, trễ lắm là ngày thứ hai, ta nên đặt sẵn đầy đủ máng ăn, máng uống cho trĩ con. Nhưng, theo tập tính của giống chim trĩ, ngày tuổi đầu tiên trĩ con chưa màng đến việc ăn uống. Sang ngày tuổi thứ hai, nhiều con đã biết tìm đến máng nước để giải khát.

Thức ăn nuôi trĩ con là cám viên hỗn hợp của gà con công nghiệp. Những ngày đầu này nếu cho ăn thêm chút ít sâu khô, sâu tươi (thức ăn dành cho chim kiểng), trĩ con tỏ ra rất khoái khẩu. Chúng tuy ăn uống không nhiều, nhưng hàng ngày ta nên cho chúng ăn uống no đủ, nhờ đó trĩ con mới mau lớn và sống sởn sơ.

Nuôi chim trĩ cũng như nuôi nhiều loài chim chóc và gia cầm khác, từ lúc còn nhỏ ta nên phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho chúng. Nhờ đó chúng mới được miễn nhiễm các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn gây ra như các bệnh A/H5N1 … Khi trĩ ở vào tuổi trưởng thành ta nên xổ lãi theo đúng định kỳ cho chúng …

Phương pháp nuôi trĩ lớn

Trĩ lớn được đề cập ở đây là trĩ ở vào lứa tuổi từ tháng tuổi thứ 4 trở lên cho đến thời kỳ sinh sản.

Được biết, trong đời sống hoang dã ít khi gặp trĩ sống thành bầy đàn đông đảo, mà chỉ từng đàn nhỏ đôi ba con kéo nhau đi kiếm ăn. Ban ngày chúng tìm mồi dưới đất, ban đêm bay lên ngủ trên các tán cây thấp, tại các lùm bụi mà chúng tập trung sống. Trĩ mái thích tìm các cành cây khô mà đậu, ngay ban ngày cũng vậy.

Trong đời sống hoang dã, trĩ biết ăn tạp, gần như mùa nào thức nấy. Chúng sống chủ yếu bằng các loại rau mầm và cây thân thảo khác. Có mùa chúng chỉ ăn các loại hột, các loại trái cây khác nhau. Gặp côn trùng và các loài động vật nhỏ trĩ cũng thích ăn … Nói chung, loài chim đẹp và quý hiếm này không kén ăn, nên dễ nuôi.

Trĩ lớn nuôi chuồng thường có hai cách, mà cách nào cũng là nuôi nhốt cả. Vì chim trĩ là loài chim, nên sổng ra khỏi chuồng bay mất. Không những chúng bay giỏi mà còn có tài luồn lách, chui rúc lẩn trốn nữa.

  1. Cách thứ nhất là nuôi nhốt một vài con trong chuồng đơn, cả ngày lẫn đêm chúng chỉ được sống trong diện tích chuồng đủ rộng đó: một vài mét vuông cho vài cá thể. Với cách sống, ăn uống và sinh hoạt tại chỗ này, vẫn nuôi trĩ sinh sản được.
  2. Cách thứ hai là nuôi chuồng tập thể liền với khu vực sân nắng. Nuôi theo kiểu chuồng này tuy tiếng là nuôi nhốt, nhưng thực tế là nuôi thả. Tuy các máng đựng thức ăn nước uống được đặt thường trực tại chuồng cho trĩ ăn uống thoải mái, ngoài diện tích ngăn chuồng chật hẹp ra, hằng ngày trĩ được thả ra sân nắng tự do đi lại, bươi mổ để kiếm thêm thức ăn có sẵn trong tự nhiên như rau cỏ tươi non, các loài côn trùng, thức ăn nhiều chất khoáng …

Nhờ được nuôi trong sân nắng, khung xương của trĩ rắn chắc hơn, khoẻ mạnh hơn.
Thức ăn chủ yếu dành cho trĩ lớn nuôi chuồng cũng là cám viên hỗn hợp dành nuôi gà hậu bị công nghiệp (trĩ sinh sản có loại cám riêng). Ta nên trộn thêm 20% lúa để kích thích tính thèm ăn của trĩ.

Nói chung, trĩ ăn rất ít. Dù thân xác to lớn, chim trống trên dưới một ký rưỡi, và chim mái trên dưới một ký hai, nhưng khẩu phần ăn của trĩ ít hơn gà cùng lúa. Đó là điều khiến nhiều người ngạc nhiên.

Ngoài thức ăn cám và lúa ra, hàng ngày ta nên cung cấp thêm nhiều rau cỏ tươi non vào bữa ăn bổ sung, vốn là thức ăn khoái khẩu của chim trĩ.

Trong phần nói về trĩ lớn, chúng tôi xin đề cập sơ qua phương pháp nuôi trĩ sinh sản và trĩ thịt:

Nuôi trĩ sinh sản: Trĩ sinh sản dù trống hay mái đều là trĩ giống được tuyển chọn khắt khe qua nhiều đợt trong giai đoạn chúng mới được vài tháng tuổi đến lúc trưởng thành.

Đây là đàn trĩ đã đạt chuẩn từ vóc dáng đến sức khoẻ (không tật bệnh).

Trĩ sinh sản thường được nuôi trong chuồng đơn, trống mái nuôi chung (có thể ghép một trống với hai mái). Nuôi trong chuồng đơn ta dễ kiểm soát được khả năng phối giống của trĩ trống (có siêng đạp mái không? Trứng có nhiều cồ hay không?) và năng suất trứng của trĩ mái (Đẻ sai? Trứng lớn?)

Thức ăn dành nuôi trĩ sinh sản là loại cám viên hỗn hợp dành nuôi gà đẻ công nghiệp, nhưng cần trộn vào 30-40% lúa, và cho trĩ ăn thêm nhiều rau cỏ tươi non, cũng như không thể thiếu khoáng chất.

Nuôi trĩ thịt: Trĩ nuôi thịt gồm những trĩ trống mái không đạt chuẩn để giống bị loại ra sau những đợt tuyển chọn hoặc những trĩ hết khả năng sinh sản, nuôi tiếp chỉ thêm lỗ công, lỗ của mà thôi.

Những trĩ này cần được nuôi thúc cho mau mập để cân bán thịt. Muốn đạt được mục đích đó ta nên nuôi chúng trong những ngăn chuồng chật hẹp, chỉ vừa đủ cho việc vận động để trĩ thịt ít bị tiêu hao năng lượng, mới mau tăng trọng.

Cách nuôi thì vậy, còn khẩu phần ăn hằng ngày của trĩ thịt phải rất bổ dưỡng, trong đó chất đạm, chất bột đường, chất béo phải pha trộn với tỷ lệ rất cao.

Bài viết Kỹ thuật nuôi chim trĩ con và trưởng thành được 4.5 / 5 với 60961 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà