Tác hại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm

Tác hại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm

Hiện nay việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là rất phổ biến. Tuy nhiên nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ dẫn tới sự tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái và làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh bởi hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Theo số liệu được tổng hợp từ đầu năm 2015 đến tháng 2-2016 của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã phát hiện có 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép ( Nguồn VĂN DUẨN - NGUYỄN HƯỞNG - Báo Người lao động)

Bài viết dưới đây sẽ trình bày cho người đọc một cách tổng quan về vấn đề này như sau:

*Những nguyên nhân tồn dư kháng sinh trong thực phẩm

- Do sử dụng vào mục đích phòng và điều trị bệnh

+ Bổ sung kháng sinh vào thức ăn, nước uống đề phòng và chữa bệnh cho vật nuôi và làm chất phụ gia thức ăn như sử dụng Streptomycin trị tụ huyết trùng, viêm tử cung, viêm đường sinh dục... ở vật nuôi.

+ Không nắm rõ thành phần, tác dụng của thuốc. Lựa chọn kháng sinh sử dụng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hay tư vấn của các cửa hàng thuốc thú y. Nhiều hộ chăn nuôi có khuynh hướng tăng liều sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị, cách cấp thuốc cũng chưa hoàn toàn đúng cũng như nhiều nơi trộn kháng sinh vào thức ăn hay pha nước uống gần như liên tục hàng ngày, chưa chú ý yêu cầu về thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi bán.

- Kháng sinh có thể nhiễm lẫn vào thức ăn do tiếp xúc với môi trường có chứa kháng sinh (trại chăn nuôi thường xảy ra hiện tượng này khi lưu trữ thuốc trong kho thức ăn).

- Một số hoạt chất có tác dụng kích thích tăng trưởng (còn gọi là chất tạo nạc) như Sabutamol, Clenbuterol, Ractopamin cho vào thức ăn chăn nuôi kích thích vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi.

- Kháng sinh được bổ sung cho vật nuôi trước khi giết thịt với mục đích kéo dài thời gian, tránh thịt hư hỏng.

*Tác hại của tồn dư kháng sinh trong thịt?

- Ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm:

+ Phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh.

+ Nếu hàm lượng quá cao sẽ gây độc cấp tính cho người sử dụng. Một số loại vừa là kháng sinh vừa là hormone như Dexametazon, Tetraciline… nếu ăn thực phẩm có chứa các chất này có thể gây hiện tượng giảm mật độ tinh trùng, hiện tượng đồng tính luyến ái tăng, tinh hoàn lệch ẩn ở trẻ em dậy thì.

+ Ngoài ra một số loại có thể gây suy gan, suy thận thậm chí gây ung thư, đột biến gen do sử dụng lâu ngày như Nitrofurans, Quinoxalinedinoxides và Nitroimidazoles...

- Ảnh hưởng đến vật nuôi:

+ Làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, tạo ra con giống yếu ớt, không sống được khi không có kháng sinh.

+ Tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, có thể truyền sang người.

*Cách nhận biết thực phẩm không an toàn

Khi chế biến, nếu thấy thịt có mùi lạ hoặc mùi kháng sinh thì không nên ăn. Không thể phát hiện được thịt tồn dư kháng sinh bằng mắt thường. Tuy nhiên, nếu miếng thịt bày trên sạp nhạt màu, có nước ướt hoặc đọng thành giọt là không an toàn.

Khi đun nấu nếu thấy thịt ra nhiều nước, miếng thịt bị teo lại và có độ săn chắc kém thì chắc chắn đây là thịt của động vật dùng nhiều chất “tăng trọng”. Thịt tươi màu hồng, đỏ tự nhiên, độ đàn hồi tốt (lấy ngón tay ấn vào thịt khi buông ra không để lại dấu tay) không có nước, không có mùi lạ là thịt ngon. Thịt ngon khi nấu có mùi thơm đặc trưng, ngon, ngọt đảm bảo chất lượng.

* Sử dụng kháng sinh đúng cách:

- Để tăng cường sức đề kháng tự nhiên, có thể sử dụng acid hữu cơ, enzyme, các chế phẩm giàu kháng thể, probiotic hoặc thảo dược để thay thế thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

- Hạn chế việc dùng đi dùng lại một loại kháng sinh vì dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc. Chỉ dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn sau khi đã xác định rõ mầm bệnh.

- Không dùng các loại kháng sinh đã hết hạn sử dụng hoặc cấm sử dụng.

- Khi dùng thuốc kháng sinh để phòng, điều trị bệnh phải dùng liều tấn công ngay từ đầu: nghĩa là dùng liều từ cao xuống thấp, tuyệt đối không được dùng ngược lại để tránh hiện tượng quen thuốc, nhờn thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

- Không nên tự ý phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau, vì giữa các loại thuốc khác nhau có thể gây tác dụng “cản trở” nhau, từ đó làm giảm tác dụng điều trị, thậm chí là phản tác dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vật nuôi.

- Ngưng sử dụng thuốc trước khi giết mổ vật nuôi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh gây hiện tượng tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi.

*Kết luận

Không nên sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Chỉ nên sử dụng kháng sinh cho phép nhằm mục đích phòng và chữa bệnh một cách hợp lý để tạo ra dòng sản phẩm có nguồn gốc động vật sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Bài viết Tác hại tồn dư kháng sinh trong thực phẩm được 4.5 / 5 với 61992 bình chọn.
Tư vấn khách hàng
Icon trại giống thu hà